Lịch sử Phi Thoàn

Nghệ sĩ Phi Thoàn sinh năm 1932 tại tỉnh Trà Vinh, bấy giờ thuộc Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương. Theo hồi tưởng, đúng hôm mẹ ông trở dạ thì giới chức Pháp ở địa phương cho chạy thử một chiếc tàu rất lớn trên sông Trà Vinh (nay là chỗ hợp lưu sông Hậusông Cổ Chiên), cho nên đặt ông là Nguyễn Phi Thoàn (阮飛船). Nhưng vì cậu bé Phi Thoàn khó nuôi quá, ba mẹ phải đem cho một cao tăng Khmer nuôi, nên được thầy gọi theo tiếng TiềuSen.

Có lẽ nhờ chết hụt lúc còn nhỏ nên lớn lên tôi là một thanh niên sống thảnh thơi, thích nhìn những sự việc tréo ngoe để gây tiếng cười. Năm tôi 16 tuổi, ở xóm đã nổi danh là thằng “Sen tiếu”. Một lần bạn bè xúi mày có máu khôi hài nên lên Sài Gòn xin vào đài phát thanh kể chuyện tiếu lâm. Tôi khăn gói một phen thử vận. Hồi đó ở Đài phát thanh Sài Gòn có chương trình tuyển chọn ca sĩ trẻ, giữa giờ giải lao thường có một anh hề ra chọc cười khán giả. Tôi xin thử kể, không dè ông chủ lắc đầu. Lúc định quay về thì trời đổ một cơn mưa thiệt lớn. Nhờ vậy tôi mới được thử. Câu chuyện tôi kể là hình ảnh một anh nông dân say bí tỉ gây lộn với con chó. Một mình tôi giả hai giọng: người và chó. Không ngờ ông chủ nhận tôi vào làm chương trình và đó là bước ngoặt gắn chặt đời tôi với sân khấu.
— Nghệ sĩ Phi Thoàn

Sau Đệ nhị thế chiến, phong trào đại nhạc hội phát triển rầm rộ tại đô thành Sài Gòn, khiến nhu cầu tuyển nghệ sĩ rất lớn trong giới bầu sô. Vì thế chỉ trong thời gian rất ngắn, cái tên Phi Thoàn đã lừng lẫy trong giới hề kịch.

Ở thời kì sau cách mạng mồng 01 tháng 11, khi sinh hoạt văn nghệ Việt Nam Cộng hòa được khai phóng, Phi Thoàn bỏ các ban kịch Sài Gòn để làm tài tử tự do. Ông hợp với Khả Năng, Thanh Việt, Tùng Lâm, Thanh Hoài, Hoàng Mai, Văn Chung thành thất hài đế, khuynh đảo chương trình Tiếu vương hội phát hàng tuần trên đài số 9. Mặc dù hơi lép vế về tiếng tăm so với các bạn diễn này, nhưng ông được giới mộ điệu đánh giá cao nhất về khả năng biểu cảm cũng như cách chuyển tải một cốt kịch cụ thể.

Sau biến cố 30 tháng 04 năm 1975, nghệ sĩ Phi Thoàn may mắn không thuộc diện phải đi học tập cải tạo dài hạn. Ông vào biên chế Đoàn kịch nói Bông Hồng, rồi tạo ấn tượng trên sân khấu đoàn cải lương Hương Biển, đoàn ca múa nhạc Hóc Môn, đoàn ca nhạc Sông Bé, đoàn cải lương văn công thành phố, đoàn cải lương Sài Gòn 2. Đến năm 1985, ông về Đoàn văn công TP.HCM và năm 1989 trở thành cây cười của Đoàn cải lương Sài Gòn 2... Tới tận năm 2000, ông còn kết hợp bạn diễn tri kỉ Tùng Lâm, Thanh Hoài góp kịch mục tại Liên hoan Sân khấu Hài lần III. Đây cũng là dấu ấn cuối cùng trong nghiệp diễn của nghệ sĩ Phi Thoàn.

Ông tạ thế lại tư gia hồi 16 giờ 40 phút ngày 04 tháng 05 năm 2004 sau một thời gian lâm trọng bệnh[1][2].

Ba tôi kĩ tính lắm. Nếu thấy cách chọc cười chưa hợp lý, dễ làm người xem hiểu lầm là ông chuyển hẳn cách diễn ngay. Với ông, khi lên sân khấu không thể diễn cho có. Ông vẫn luôn dặn tôi: Sự dễ dãi sẽ giết tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
— Nghệ sĩ Phi Phụng